24/01/2014

KHÓC LÊ HIẾU ĐẰNG và MƯA ĐẤT LẠ

Đọc trên mạng  thấy hai bài thơ làm mình xúc động. Một của Bùi Chí Vinh, một của Phạm Thành, xin chép lại ra đây
KHÓC LÊ HIẾU ĐẰNG
Thắp nén nhang cho Lê Hiếu Đằng và nhìn di hài anh ở chùa Xá Lợi đêm Ông Táo về trời 23 tháng chạp, tôi có cảm giác môi anh mím lại như không cam chịu một cái chết được báo trước. Quá đau xót nên viết bài thơ này…
Bùi Chí Vinh

Chết là hết hay chưa là hết
Có người chết đi để được phong thần
Có người chết đi để làm ma quỷ
Nhưng anh chết đi để thành nhân dân

Được phong thần chưa chắc đã không gian
Thành ma quỷ vì sinh thời ở ác
Anh bỏ triều đình về với nhân dân
Nên khi chết vẫn quang minh lỗi lạc

Giữa thời kỳ mạng người như rơm rác
Cái chết chẳng qua một chuyến luân hồi
Đã dám sống một đời bất khuất
Thì chết cũng là bất tử anh ơi !
24-1-2014
BCV
mưa đất lạ
Phạm Thành
23 Tháng Giêng 2014 lúc 16:22

Quê nhà như bến đợi
Nơi đầu một con sông
Mà đời người lữ thứ
Đã lạc mãi cuối dòng,

Ba mươi năm biền biệt
Ước vọng đã tàn hoa
Lỡ thì đời cô phụ
Khô đại đóa vô thường,

Đêm đông !
Tiếng đàn xưa xa vắng
Lỗi nhịp đập
quen rồi quãng tim đau ...

Người đi ?
Tôi về ?
Cầu viễn xứ nhạt nhòa mưa đất khách .

paris 23.1.14

1 commentaire:

  1. Lại Mạnh Cường25 janvier 2014 à 00:09

    Thưa đồng hương,

    Tôi nghĩ, cái gì sai cái gì đúng nơi ông Lê Hiếu Đằng, nên nhân dịp này kể hết ra cho rõ ràng. Không lấy lý do nghĩa tử là nghĩa tận, rồi xí xoá cho qua tất cả.

    Tôi cho là ông Đằng sai phạm trầm trọng, khi tham gia vào đảng CS đánh phá miền Nam dưới thời Việt Nam Cộng hòa.

    Cái sai này rõ ràng nhất khi CS nắm quyền trong cả nước, khi đám cầm đầu đất nước lúc dụi đầu vào Tàu, lúc ngả ngờn trong lòng Liên Xô, rồi lại chui tọt trở lại vào vòng tay Tàu cộng, gây chiến tranh biên giới phía Bắc vói Tàu và vụ Nạn kiều, chíên tranh với Miên, phân bịệt đối xử với người chế độ cũ nói riêng và toàn dân miền Nam nói chung, tạo ra cảnh thuyền nhân, bộ nhân ... chấn động thế giới. Còn nhiều nữa kể ra không hết ở đây.

    Chỉ khi đến gần cuối đời ông mới tỉnh ngộ dần, và "con chim trước khi chết cất lời bi ai", ông Đằng tuyên bố rời đảng CS!

    Đó chính là điều người ta đã nghi ngờ về lòng yêu nước thương dân thật sự nơi ông Lê Hiếu Đằng !

    Ông TRUNG HIẾU VỚI ĐẢNG, muốn đảng mình cải tổ để tiến lên, cầm quyền mãi mãi !?
    hay thực tình là ông TRUNG VỚI NƯỚC HIẾU VỚI DÂN, buộc đảng mình phải cải tổ !??
    và khi thấy đảng mình ngoan cố, lại còn quay lại gấu ó, cắn xé mình, ông mới giận lẫy làm mạnh !???

    ĐÀO HIẾU, một người "xanh vỏ đỏ lòng" như ông Đằng, đã cố giải bày tâm tư ông Đằng, hay chính lòng mình, bằng đoạn văn điếu tang sau đây:

    [trích]
    Nếu như trước 1975, khi nhận ra những khuyết tật và sai trái của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và hy vọng rằng có thể xây dựng một xã hội khác tốt đẹp hơn để thay thế, những người như Lê Hiếu Đằng đã nhanh chóng đi đến quyết định tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại chính quyền VNCH, thì sau 1975, việc quyết định phải chống lại hệ thống mới không hề đơn giản.
    Đó là bi kịch của những người có trái tim, những người vốn nặng tình, một khi đã trao gửi lời thề non hẹn biển thì rất khó dứt bỏ lời thề đó. Bởi với người có lương tri, việc bội ước – ngay cả khi đã bị bội ước trước – cũng là điều gần như cấm kỵ. Người ta gần như chỉ còn biết hy vọng rằng những trò nhiễu nhương đang diễn ra hàng ngày kia chỉ là tạm thời, rồi xã hội sẽ tốt đẹp lên. Cho đến một ngày, người ta nhận ra tất cả đều vô vọng…

    Nhưng ngay cả khi đã nhận ra điều đó, tôi nghĩ rằng các anh, những Lê Hiếu Đằng, vẫn còn tiếp tục dằn vặt bản thân, vò xé lương tâm hàng năm, thậm chí nhiều năm, trước khi “tính sổ” với thực tại. Và cũng có không ít những người đành chép miệng hay tặc lưỡi thở dài: thôi thì mặc kệ cho cuộc sống trôi đi, đến đâu thì đến.

    Vào phút chót, Lê Hiếu Đằng, người vừa ra đi hôm 22 tháng 1, đã quyết định dứt khoát từ bỏ Thực Tại, quyết định đối mặt với Nó, vạch mặt chỉ tên Nó.
    [hết trích]

    Riêng tôi thấy buồn ơi là buồn. Đợi đến khi nước mất nhà tan, người ta mới tỉnh ngộ thì đã muộn rồi. Tôi không phủ nhận những nhiệt tình của ông Đằng, thậm chí tôi còn thích những lý luận vững chắc của ông, khi ông tranh đấu trong vụ đòi bãi bỏ quyền sở hữu toàn dân về đất đai và do nhà nước quản lý, nhưng tôi không kính phục ông.
    Ông là người phạm sai lầm và phải làm sao chuộc lại cái sai của mình. Cái sai này quá đậm quá sâu quá lâu, khiến tôi khó mà thông cảm bỏ qua không nhắc tới.

    Ông mất đi, tôi mừng cho ông từ nay không còn trăn trở với những cái sai của đảng mình, của chính mình và tìm mọi cách chuộc lại, vào lúc lực tàn hơi kiệt. Mong ông thanh thản ở nơi vô cùng, bởi nợ đời đã trả song.

    Còn chuyện nước non là chuyện lớn, dài lâu và cần sự hợp lực của số đông, chứ một cánh én không tạo nổi mùa xuân. Hiện nay thế hệ trẻ đã ngày một trưởng thành, cất bước lên đường vì một tương lai tươi sáng của đất nước và dân tộc. Dĩ nhiên họ thấy được những sai lầm của các bậc cha chú và đàn anh, nên cố né tránh. Chỉ mong họ nhiều dũng khí khi chiến đấu với cái Ác và bền gan chân cứng đá mềm

    LMC

    RépondreSupprimer